Chào mừng các bạn đến vời blog Quang Thái
http://d4.violet.vn/uploads/blogs/730254/f9977_1.gifhttp://d4.violet.vn/uploads/blogs/730254/f9977_1.gifhttp://d4.violet.vn/uploads/blogs/730254/f9977_1.gif

LỜI MUỐN NÓI

Trang blog này mình lập cuối năm 2009 để chuyển các bài viết bên blog yahoo do bị đóng cửa vào 2010 ….............. Do Mình chuyển thủ công Copy và dán kể cả hình ảnh ..có ngày chuyển hàng chục bài ..và cũng copy một số bình luận ............... Nhưng sau này thì hình ảnh không giữ được thật buồn .. rồi sau đó tôi Chỉnh sửa lại tất cả các bài xoá hình ảnh không hiện và lấy lại ngày tháng ........ Mãi đến năm 2018 bắt đầu mới đăng bài và giao lưu bè bạn gần xa Xin Cáo Lõi ......./// ..Hà Nội ngày 15 tháng 7 năm 2022 QUANG THÁI

Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011

GIỚI THIỆU TÁC GIẢ CẦM SƠN (Phần 1)


alt
 Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu
tại lễ trao giải thưởng Vàng:"Doanh nhân Văn hóa Việt Nam"

MẶN MÒI “ TÌNH NÚI "    
   Nhà báo: NGUYỄN SẢN   Phó Tổng Biên Tập Báo Phú Thọ
    Từ cổ chí kim, nàng thơ như một thiếu nữ yêu kiều, đỏng đảnh nhưng có sức quyến rũ mê hồn. Cõi trần gian này, có rất nhiều giai nhân tự nguyện dâng hiến cả phần xác lẫn phần hồn cho thi ca, có được niềm vinh quang từ thơ, nhưng cũng chuốc lấy đau khổ, buồn phiền vì thơ. Một trong những “đệ tử” được Nàng Thơ dâng hiến hạnh phúc ngọt ngào là Kỹ sư Lâm nghiệp Nguyễn Đức Sơn - Giám đốc công ty Lâm nghiệp Tam Sơn thuộc Tổng công ty Giấy Việt-Nam, người đang cầm quân trấn giữ một vùng đất rừng miền Tây của tỉnh Phú Thọ.
 Trong giới doanh nhân Việt Nam, cũng có nhiều người yêu thơ, vì thế tư duy công việc quản lý, lãnh đạo đôi khi nhường chỗ cho những xúc cảm thăng hoa để có những sáng tác tạo được ấn tượng trong lòng người đọc. Lúc vui vẻ, Nguyễn Đức Sơn có kể với nhiều người câu chuyện bạn bè nhắn nhủ với anh rằng:
 Giám đốc mà cứ làm thơ
Thì làm kinh tế lơ mơ cả ngày

Nhưng anh lại cho rằng:
Thơ là cách nghĩ riêng mình

Buồn, vui, ngọt, đắng đem trình nàng Thơ

Thơ gieo mầm hạt ước mơ

Bao nhiêu dự định đang chờ nay mai
Thơ xe duyên thắm chẳng phai
Ái ân những tháng năm dài cùng ta
Thơ hòa khúc nhạc lời ca

Bổng trầm tiết tấu, ngâm nga tiếng lòng…
Từ đó để khẳng định:
Mấy lời nhắn nhủ cùng ai Làm kinh tế cũng là bài thơ hay ( Nhắn ai )



 Có lẽ vì thế mà anh với nàng Thơ như đôi tình nhân đã đồng hành hơn ba chục năm qua. Và, trong hành trình cùng người dệp huyền bí có tên là Thơ, thì nhiệm vụ của một Giám đốc cũng được anh hoàn thành với mức độ cao nhất, đưa lâm trường Tam Sơn vượt qua bao gian khó để có được diện mạo như ngày nay. Một trăm tám mươi tám cán bộ, công nhân lâm nghiệp ở đây đã làm nòng cốt cùng với các “Nông dân lâm nghiệp” quản lý sản xuất – kinh doanh nghề rừng một cách có hiệu quả trên diện tích gần mười một ngàn héc ta thuộc mười xã của huyện Tân Sơn tỉnh Phú Thọ và các huyện Phù Yên, Mộc Châu tỉnh Sơn La. Qua thực tế, các vấn đề hệ trọng quyết định sự thành bại trong sản xuất – kinh doanh như: Việc làm, đời sống của người công nhân; mối quan hệ giữa lâm trường với chính quyền địa phương; lợi ích lâm trường với lợi ích của người dân địa phương cùng tham gia phát triển lâm nghiệp…đã từng bước được giải quyết hài hòa, tạo nên động lức để lâm trường Tam Sơn tiếp tục phát triển, vững bước đi lên trong đội hình Tổng công ty Giấy Việt Nam.

Tôi còn nhớ, có lần được các anh lãnh đạo Tổng công ty Giấy  tin cậy nhờ đọc trước tập bản thảo các sáng tác tham dự cuộc thi thơ viết về những người thợ Giấy Bái Bằng nhân kỷ niệm 25 năm nhà máy đi vào sản xuất. Trong số gần hai trăm bài thơ của mấy mươi tác giả chuyên nghiệp và nghiệp dư, chúng tôi lọc ra mấy bài của một tác giả có cái tên còn khá mới mẻ: Nguyễn Đức Sơn. Đối với thơ, điều quan trọng số một của mỗi bài là tứ, thứ đến là ngôn ngữ và hình hình tượng, hình ảnh…Ở các bài dự thi: “Chồi non và trang giấy”, “Mưa”, “Em tôi”… của Nguyễn Đức Sơn hội tụ được cả mấy điều ấy, thêm nữa là sự tươi rói những chất liệu hiện thực của cuộc sống. Do vậy, không thể vì lý do gì mà chúng tôi không đề cử chùm thơ của anh vào xét vòng trong. Cuối cùng, một trong ba bài của anh giành giải nhì trong cuộc thi cùng với nhiều tác giả có “Nghề” khác. Sau lần thử sức ấy, anh tự tin gửi sáng tác của mình cho các báo, tạp chí, nhà xuất bản trung ương và địa phương. Dần dà, cái tên Nguyễn Đức Sơn trở nên quen thuộc với bạn đọc.
Như một người trồng rừng, anh làm thơ như cây trồng phân tán. Vườn thơ của anh đang khép tán thành rừng và có được những thành quả đầu tiên. Năm trước, Nguyễn Đức Sơn được Nhà xuất bản Hội Nhà Văn Việt Nam cho ra mắt tập thơ đầu tay của anh. Đây là một bất ngờ với nhiều người, nhưng lại như là tất nhiên của sự công bằng trong văn chương. Thế mới biết, có người từng làm thơ mấy mươi năm, ngày kỷ niệm hay sự kiện thời sự nào cũng có thơ đăng trên báo, đọc trên đài nhưng khi muốn tập hợp lại để in, đọc kỹ lưỡng lại thấy bài nào cũng chênh vênh, nhàn nhạt như thiếu “muối”. Có người làm thơ cứ như gieo hạt, mỗi năm túc tắc vài mầm, thế mà ngoảnh đi ngoảnh lại, gia tài của họ đã là cả một vạt rừng xanh tốt, đầy sức sống.
    Từ khi đến với nghề rừng, trái tim trai trẻ của chàng trai Hà thành Nguyễn Đức Sơn đã rung động hồn nhiên trước muôn ngàn cây lá:

Nếu anh muốn đến nơi em ở
Đừng hỏi thăm địa chỉ làm chi
Cứ tìm đến những lâm trường mới mở

Nơi chồi non lá biếc thầm thì
( Nếu anh muốn tìm em-1978) 

Một vùng đồi màu xanh
miên man
Chồi đang nhú
chứa chan bao hy vọng

Bàn tay thợ cấy trồng sự sống
Tâm hồn em lồng lộng gió trời xanh

 ( Hát cùng em- 1978)

Giờ đã ở tuổi “Tri thiên mệnh”, thơ Nguyễn Đức Sơn dư dả sự sâu lắng với những suy tư, trải nghiệm việc đời, tình người. Dường như con người hào hoa, đa tình của phố Đội Cấn ngày nào giờ đã hoàn toàn thuộc về rừng? Da nâu màu nắng, nói to như gió, uống rượu rất khá cũng như kể chuyện tiếu lâm rất có duyên. “ Người rừng” có thể hiểu lời hoa, tiếng lá, có thể lắng lọc trong mớ âm thanh hỗn độn của đại ngàn chút thầm thì của cây cỏ. Những rung động trước tiếng chim lảnh lót như nhạc rừng trong vòm lá, trước sắc hoa lộc vừng hồng tươi làm ấm khu lán trại lâm trường những chiều đông.
 Những xốn sang trước hàng “nậm pém” phập phồng của cô gái Thái Mộc Châu hay cánh tay trần chắc lẳn của cô gái Lai Đồng khỏa nước giữa dòng suối trong. Tất cả vào thơ Nguyễn Đức Sơn rất tự nhiên như cuộc sống nó vốn thế.
Nắng sớm ngại ngùng vén màn sương
Đường lên đèo Khế vắt bản Mường
Khói bếp ngập ngừng hôn vòm lá
Thoảng nhựa bồ đề ngát tỏa hương

    ( Lên đèo Khế)


 Dù anh viết về nhiều đề tài, nhưng như lá rụng về cội, suối đổ về sông, thơ Nguyễn Đức Sơn vẫn là thơ lâm nghiệp, thơ của người yêu rừng, biết tri ân cùng đất đai, cây cỏ:

Gềnh thác cheo leo,
Chớp bể mưa nguồn Góc biển,
chân trời bão giông nắng lửa

Bao hạt mầm đợi ngày tách vỏ

Cho những cánh rừng Ngút ngát màu xanh
Những vần thơ tâm sự nhiệt thành
Xin gửi tới gần xa bầu bạn

Như biển Đông chẳng bao giờ vơi cạn
Gọi triều về dâng sóng nước xôn xao.    
(Những vần thơ-2007)


 Vì thế,  tập thơ thứ hai của Nguyễn Đức Sơn vẫn do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành mà bạn đọc đang có trên tay, đọc cả sáu chục bài, ta càng thấu hiểu “Tình núi” trong anh. Đọc bài thơ anh viết tặng cô bé Giàng Thị Bình trên cao nguyên Mộc Châu, nơi có một phân trường của công ty Lâm nghiệp Tam Sơn- ta có thể cắt nghĩa vì sao anh lại lấy tên sáng tác này làm tên gọi cho đứa con tinh thần thứ hai của mình – Tình núi.
Chỉ là một chiếc lá thôi
Trên môi em thổi hát lời véo von

Trăng lên đỉnh núi trăng non
“Chị Mai xuống chợ” trăng còn dõi theo
Bổng trầm réo rắt lưng đèo…
Rừng còn, khèn lá mãi còn Thiết tha,
đằm thắm tâm hồn người Mông.

(Tình núi)


 Anh ví von cao nguyên Mộc Châu như “Nàng tiên xanh” đằm thắm. Ở đấy có sức hút lạ kỳ của một vùng đất mới đối với các chàng trai, cô gái lâm trường Tam Sơn. Dù còn nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng nhất định nơi đây sẽ là vương quốc tình yêu và hạnh phúc của ngày mai:
Em đến Mộc Châu một ngày không nắng
Mịt mùng dăng trắng đục một màu mây
Đem tuổi thanh xuân gửi lại nơi đây
Cùng Tây Bắc dựng xây lâm trường mới

Rừng nguyên liệu ngày đêm em vun sới   
Mang ngọn lửa hồng
 Nhen nhóm hạnh phúc xanh…
 Không mấy khó khăn để tìm trong 60 bài thơ ở tập “Tình núi” những câu đằm thắm về tình yêu con người, yêu rừng:
Bản Mông giờ đâu chỉ có ngô
Rừng gỗ keo trùng điệp nhấp nhô
Nhuộm xanh cả điệu khèn réo rắt
Gió rừng thổi trong veo đáy mắt

Môi ngập ngừng nói một lời yêu
 
(Đi chợ)

À ơi một nắng hai sương
Cho rừng khép tán bốn phương điệp trùng
À ơi con ngủ cho sâu

Chìm trong giấc mộng thắm mầu rừng xanh   
( Lời ru người mẹ H,mông)

Rừng trồng nắng trải ngập tràn
Sông Đà soi bóng nồng nàn tình em    
 (Gió lành)


 Suối không chỉ là huyết mạch của rừng xanh, là ngọn nguồn của sông bể, mà ở đó còn tiềm ẩn bao điều thú vị của thiên nhiên. Qua cách nói “hơi bị” tu từ sành điệu của Nguyễn Đức Sơn về “Rêu đá”, hẳn là những người lần đầu lên Tân Sơn, lên Tây Bắc khó mà đành lòng ra về khi chưa được thưởng thức món ăn dân dã này:
 Là món ăn đặc sản
Của suối rừng quê hương
Có thơm mát cải nương
Có vị bùi xôi nếp

Hơi ấm nồng tro bếp

Ngọt ngào nước suối Thang.
 
( Rêu đá )


 Thơ vốn là tiếng nói của tâm hồn, là người đa sầu đa cảm như anh thường tự nhận, Nguyễn Đức Sơn có những câu thơ cũng rất đa tình, lả lướt. Một đêm uống rượu bên hồ Mông Mơ say đến quên về:
Mật ong vàng ónglong lanh
Rượu mận nồng ấm Chòng chành bờ môi
Rượu hay tình đã say xưa

Gà rừng gọi sáng mà chưa muốn về…
( Hồ Mộng Mơ )


 Từng có nhiều trải nghiệm đường đời, đôi khi anh có những quan sát tinh tế, triết lý sâu sắc nhưng lại có cả sự tiếc nuối rất đỗi hồn nhiên:
Sớm nay bỗng chạm vào đông
Gió mùa hiu hắt, mênh mông sương mù
Đã đi qua cả mùa thu

Còn vài cọng lá đánh đu cành bàng

Lại chờ cho đến xuân sang

Họa my thôi hót, lỡ làng với đông…

(Mùa đông)

Qua rồi cái thuở mộng mơ

Đâu còn người để thẫn thờ ngóng trông

Bây giờ ta đã thành ông

Còn người vĩnh viễn sẽ không thành bà
Trẻ trung mãi ở trong ta

Gom vần thơ kết thành hoa tặng người
(Nhớ bạn)

 Đã có trên ba thập kỷ “ba cùng” với người Mường, Dao Thanh Sơn, Tân Sơn; hiểu cặn kẽ từng cách nói lóng cũng như tục chọc sàn tìm vợ của trai bản nên Nguyễn Đức Sơn như đã hóa thân vào rừng, trở thành “Người rừng” dù rằng ăn mặc lúc nào cũng tinh tươm, phong cách lúc nào cũng lịch lãm. Dẫu thơ của “Người rừng” Tam Sơn còn có những bài sáng tác theo “phong trào”, coi đó như là một trong những “Phương tiện, công cụ trong lãnh đạo, quản lý”, nhưng về tổng thể, thơ Nguyễn Đức Sơn đã truyền cho người đọc niềm rung cảm trước thiên nhiên, nhân thế để càng thêm yêu đất, yêu cây, yêu con người. Qua thơ, dường như anh có dịp giãi bày tấm lòng nhân hậu và chân thành của mình với bầu bạn, với “Rừng xanh yêu thương”. Vậy nên, đọc thơ Nguyễn Đức Sơn ta như cảm nhận được rõ ràng sự mặn mòi “Tình núi”.
   NS

KHÚC NHẠC THU TÂY BẮC
Nhạc : Xuân Vinh
Thơ : Cầm Sơn ( Trong tập Miền Xanh )



Hạnh Phúc ( Tình rừng )




Tuổi Hai mươi ( Tình Rừng )


Nhắn ai ( Tình rừng )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn các bạn đã bình luận cho bài viết này... sau khi đã ghi bình luận bằng văn bản nếu muốn gửi cho mình hình ảnh - thì bấm enter ( Xuống dòng) rồi :
.
Copy và dán link hình ảnh vào khung bình luận .. Rồi bấm " Xuất bản " như thường lệ là xong .. Xin cám ơn (copy linh hình bằng cách phải chuột vào hình và bấm vào " sao chép địa chỉ hình ảnh" là đã copy xong linh của hình ảnh )